Tuy nhiên, với giới công nghệ, chỉ riêng điều đó vẫn là chưa đủ. Đã có nhiều thiết bị của Motorola, Nokia, HTC... trước đây được tung hô bằng các mỹ từ khi mới ra đời, được gán cho cái tên "bom tấn", nhưng rồi chúng chỉ chinh phục được nhóm nhỏ người sử dụng. Vì vậy, các chuyên gia phân tích đang ngày càng khó tính, hoặc họ bắt đầu thận trọng hơn trong việc nhìn nhận tiềm năng của những sản phẩm mới.
Điều này thể hiện rõ qua sự phát triển của HTC những năm qua. Họ đã không ít lần gây xôn xao như khi cùng Google tung ra điện thoại chạy Android đầu tiên (G1) hay smartphone với kết nối 4G đầu tiên (Evo 4G). Họ nằm trong số những hãng đi tiên phong, nhưng lại không thể hiện được điều đó qua doanh số sản phẩm. Dòng One 2012 nhận được nhiều đánh giá tích cực, nhưng lợi nhuận quý IV lại chỉ đạt mức thấp nhất trong vòng 8 năm gần đây, đơn giản vì các chiến dịch quảng bá không mạnh như Apple và Samsung. Lịch sử phát triển smarphone chứng minh một điện thoại chỉ đẹp thôi là không đủ.
"Chúng tôi đã tạo ra sản phẩm tuyệt vời với rất nhiều cải tiến. Các nhận xét về thiết bị rất tốt, nhưng chúng tôi lại không kết nối được tới những người thực sự hiểu và đánh giá cao sản phẩm. Chiến lược marketing chính là một bài học mà chúng tôi rút ra để có hướng đi mới", Peter Chou, CEO của HTC, chia sẻ về thành quả khiêm tốn của One X và One S trong năm 2012.
Do đó, theo Avi Greengart, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Current Analysis, HTC sẽ chỉ thành công nếu quyết liệt và khôn khéo hơn trong việc tiếp thị sản phẩm.
Hãng Đài Loan dường như đang đi đúng hướng khi Erin McGee, Phó chủ tịch marketing của HTC tại Bắc Mỹ, tiết lộ họ đã nhân đôi ngân sách cho truyền thông toàn cầu so với một năm trước và lên kế hoạch trở thành nhà quảng cáo lớn thứ hai hoặc ba trong giai đoạn công bố sản phẩm. Mục tiêu của hãng là hướng đến những người yêu công nghệ ở độ tuổi 18-34 qua truyền thông số và mạng xã hội, qua các sự kiện âm nhạc mà họ tổ chức với đối tác Beats.
HTC cũng thừa nhận trước đây, họ đã phụ thuộc quá nhiều vào các nhà mạng, tức khách hàng quyết định mua máy hay không chủ yếu do nhân viên kinh doanh của nhà mạng đó tiếp thị. Mở màn với One, HTC bắt đầu muốn có một vai trò trực tiếp hơn trong việc "rót vào tai" người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ trên điện thoại.
"Đây là điện thoại tốt nhất của chúng tôi từ trước đến nay và nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo mọi người cũng biết điều đó", Phó chủ tịch McGee nhấn mạnh.
HTC đã có quyết định đúng đắn khi tách One khỏi sự kiện ồn ào Mobile World Congress tuần tới, nhưng họ sẽ vẫn phải hồi hộp chờ xem Samsung sẽ trang bị gì cho Galaxy S IV (lễ công bố có lẽ diễn ra chỉ vài ngày trước khi One xuất hiện trên các kệ hàng).
Một điều khiến không ít các chuyên gia thất vọng là vì sao HTC đã tổ chức hẳn một sự kiện lớn chỉ để công bố một điện thoại duy nhất mà họ lại chưa "chốt" giá bán hay thời điểm phân phối cụ thể (mà chỉ nói là trong tháng 3). Trước đây, các hãng vốn có thói quen trình làng sản phẩm tại các triển lãm từ rất sớm nhưng phải vài tháng sau mới bán ra thị trường. Ngược lại, Apple luôn thông báo về giá và ngày bán trong các sự kiện để người tiêu dùng không phải chờ đợi mệt mỏi, cũng như có kế hoạch rõ ràng hơn trong việc mua máy.
Dù sao, HTC cũng đã có một sự khởi đầu năm 2013 tốt hơn hẳn năm ngoái. Họ ít nhất cũng đã có cái nhìn thực dụng hơn về hiệu quả của truyền thông và giới phân tích nhận định, HTC One không chỉ được khen suông mà xứng đáng có một vị trí cao trong làng điện thoại.
Nguồn vnexpress